Người khai thị, thoại tướng

Print Friendly, PDF & Email

Người khai thị, thoại tướng.

 

Hỏi: 

Khi đi Hộ-Niệm, không đủ người phải nhờ sự hỗ trợ của các nhóm Hộ-Niệm khác.  Như thế có cần giữ nguyên người khai thị lúc đầu không? Vì nếu như nhiều người khai thị của nhiều nhóm có ảnh hưởng đến người được Hộ-Niệm không?

Trả lời:

Trong một buổi Hộ-Niệm, không nên thay đổi quá nhiều người khai thị, vậy mới tốt, tránh tình trạng ồn ào, làm người bệnh phân tâm, và nhất là tránh những người hiếu kỳ, không hiểu cách khai thị phát biểu sơ suất, nói những lời không thích hợp. Người chưa kinh nghiệm khai thị nếu sơ ý nói một lời không thích hợp, hay sai pháp làm thay đổi ý nguyện của người bệnh. Rất khó chuyển đổi tâm ý người bệnh về sau, chứ không có nghĩa gì khác.

Nhiều nhóm Hộ-Niệm cùng Niệm Phật, thì những người trong các nhóm ít nhiều cũng đã có kinh nghiệm khai thị, biết cách hướng dẫn rồi. Nếu vậy, thì không cần áp dụng cứng ngắt, hay phân chủ – khách đâu. Uyển chuyển là tốt, bàn bạc với nhau là tốt, chứ còn phân chia cứng ngắt thường gây xáo trộn. Cho nên, không cần phải giữ nguyên một người khai thị lúc đầu.

 

Hỏi: 

Sau khi Hộ-Niệm được 8 giờ. Người được Hộ-Niệm có hai trường hợp

1-Nóng ở bụng nhiều và ở đầu không nóng nhưng không lạnh như những chỗ khác.

2-Nóng ở ngực nhiều và ở đầu không nóng nhưng không lạnh như những chỗ khác.

Như thế thần thức của hai người này đã ra khỏi thân chưa? Trường hợp này xử lý như thế nào? Nếu gia đình không bằng lòng cho niệm tiếp.

 

Trả lời:

Sau 8 giờ chỉ có thể còn hơi ấm ở một điểm. Nếu còn ấm tại 2-3 điểm thì nên cẩn thận niệm thêm một thời gian nữa cho thực sự chính xác một điểm ấm hoặc khi nào toàn thân lạnh hết mới được. Khi thân xác còn ấm nhiều chỗ thì coi chừng thần thức chưa thực sự ra khỏi thân thể, không được tẩn liệm xác.

1) Nóng ở vùng bụng, đây là điềm xấu, không tốt. Nên thành tâm cầu Phật gia trì, gia đình nên lạy Phật cầu gia hộ, Ban-Hộ-Niệm nên phát tâm niệm thêm 4-8 giờ nữa. Khai thị rất cần trong trường hợp này, cầu giải oan gia trái chủ. Hãy làm hết sức, còn kết quả ra sao thì tùy theo phước phần của người ra đi.

2) Nóng ở ngực nhiều có thể được sanh lại làm người. Trong trường hợp này thân xác cũng có thể được mềm mại, nhưng không viên mãn. Nhưng nếu thành tâm, Ban-Hộ-Niệm có thể tiếp tục khai thị, hướng dẫn cho thần thức buông xả việc lưu luyến con cháu, mau mau thức tỉnh niệm Phật, cầu xin A-Di-Đà Phật phóng quang tiếp độ. Nên niệm thêm 4-8 giờ nữa, có thể giúp thần thức tỉnh ngộ mà Vãng-Sanh Cực-Lạc. Lúc đó điểm nóng sẽ chuyển lên đỉnh đầu.

Trong những trường hợp này, bắt buộc gia đình phải thành tâm cầu nguyện, thành tâm hợp tác tối đa với Ban-Hộ-Niệm để cứu người thân của họ. Nếu người thân không bằng lòng thì Ban-Hộ-Niệm đành phải ra về. Tất cả đều tùy duyên phận, chứ không biết cách nào khác hơn.

 

Hỏi:

Khi gặp những trường hợp khó. Cần khai thị  và cầu xin oan gia. Nhưng khi cầu xin oan gia  người khai thị có thể nói mạnh (có tính chất hù dọa) hay chỉ một mực năn nỉ như anh đã hướng dẫn trong buổi nói chuyện ở Niệm Phật Đường Tịnh Nghiêm?

 

Trả lời:

Nói mạnh, có nghĩa là nói giúp cho thần thức giựt mình tỉnh ngộ, không nên nói quá nhỏ nhẹ như ru ngủ làm cho thần thức cứ mê mê tỉnh tỉnh trong trạng thái chơi vơi. Vì lúc đó thần thức có thể chưa biết mình đã chết, đang phân vân trong cảnh giới nửa thực, nửa giả, đang mơ mơ màng màng không biết làm sao. Lúc đó ta nói lớn tiếng một chút làm họ giựt mình tỉnh ngộ ra mau mau Niệm Phật cầu Vãng-Sanh. (Nếu có cuốn Video cụ Hồ Thị Lan, nên xem lại cuốn đó, khi Diệu-Âm thấy khuôn mặt cụ vẫn chưa tốt sau mấy tiếng đồng hồ, nên nói rất mạnh để mong cụ giựt mình mà quyết tâm niệm Phật. Nên xem lại cuộc Vãng-Sanh này để rõ thêm).

Nói mạnh là nói dứt khoát, chứ không phải hù dọa, cống cao hay thách thức. Xem lại cuốn Video của Trần Thị Kim Phượng, Diệu-Âm nói rất mạnh, rất cương quyết, nhưng không có lời nào là thách thức hay hù dọa cả.

Nên thành tâm khẩn cầu oan gia trái chủ xóa bỏ hận thù, cùng nhau niệm Phật, một là lợi cho người bệnh, hai là lợi cho chính họ. Trong cuộc Vãng-Sanh của Trần Thị Kim Phượng, Diệu-Âm đã áp dụng rất nhiều cách điều giải, rất cương quyết, nhiều khi phải lý luận với oan gia nữa, nhưng tuyệt đối không dám chống đối hay thách thức họ.

Nếu oan gia quyết lòng báo thù thì mình không còn cách nào khác. Người Hộ-Niệm tuyệt đối không dùng bùa, ngải, hay cầu các vị “Thầy Pháp” tới trục xuất, hay đánh phá oan gia. Nhất định nhớ điều này.

A-Di-Đà Phật.

Diệu-Âm.

(25/09/2008)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *