Vài điều về đạo tràng (tiếp theo)
Đạo hữu Vạn Pháp
Vấn đề 3:
không làm kinh sám Phật sự,
Trả lời:
Ngài Ấn-Quang chủ trương không làm pháp sự, không làm kinh sám Phật sự. Tất cả đều gói trọn trong câu Phật hiệu. Điều này cũng không ra khỏi sự chuyên tâm Niệm Phật, của một đạo tràng nhỏ, ít người.
Pháp sự như cầu siêu, lễ bạt độ vong hồn, hộ quốc tiêu tai giải nạn, v.v… đều phải cần đến đạo tràng lớn, nhiều nhân lực. Trong Tịnh tông học hội có Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự, cũng cần khá nhiều nhân sự mới đảm trách nổi. Riêng về Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự rất hay, ở đó cần đến ban pháp khí vững, và phương pháp xướng tán rất mạnh. Với một đạo tràng nhỏ, ít người khó thể thực hiện hoàn chỉnh được.
Niệm-Phật-Đường A-di-đà của chúng tôi cũng không thể làm được Pháp sự này, vì nhân số quá ít. Niệm-Phật-Đường chỉ kết hợp số người rất hạn chế, quyết lòng chuyên tâm Niệm Phật, theo đúng mẫu mực của Ấn Tổ. Niệm-Phật-Đường có thời khóa cộng tu quanh năm, 365 ngày niệm Phật không gián đoạn. Sáng trưa chiều tối, tất cả đều để Niệm Phật, với phương pháp đơn giản, không có Kinh Sám, không có Phật sự, không có Pháp sự, không tổ chức bất cứ một lễ lộc nào cả.
Tùy duyên hành đạo. Chúng tôi chủ tâm mong sao cho đồng tu trong đạo tràng thân tâm được thanh tịnh để Niệm Phật, ngày ngày dùng công đức cộng tu đều đặng này, thay cho các pháp sự lớn, hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, hồi hướng cho oan thân trái chủ, cho cửu huyền thất tổ. Niệm-Phật-Đường chưa dám phan duyên làm chuyện lớn để phải bận bịu lo về nhân sự, pháp khí, thời giờ tập luyện…
Vấn đề 4:
Không thâu nhận đồ đệ…
Trả lời:
Các Ngài chủ trương nhất tâm niệm Phật Vãng-Sanh, chứ không chú trọng đến chuyện xuất gia hay tại gia.
Tổ Ấn-Quang suốt đời không thâu nhận một đệ tử xuất gia. Ngài Tịnh-Không cũng không thâu nhận đệ tử. Những vị đệ tử hiện có là do một vị khác đứng ra truyền giới, bà trưởng tràng họ Hàn ở Singapore đứng ra nhận bảo dưỡng, còn Ngài chỉ nhận vai trò y chỉ sư mà thôi. Sau khi bà trưởng tràng họ Hàn Vãng-Sanh, Ngài không còn nhận thêm một đệ tử nào nữa cả.
Nhưng dù sao, đây là quyết định của các Ngài, chứ chúng ta đâu có tư cách nào bàn đến chuyện này!
Vấn đề 5:
Không nhận tiền cúng dường…
Trả lời:
Nên nói là “Không hóa duyên” thì đúng hơn. Hóa duyên là tự mình đi vận động tiền bạc để làm việc gì đó. Ngài Ấn-Quang và ngài Tịnh-Không đều chủ trương không hóa duyên. Tất cả đều tùy duyên mà hành đạo. Ngài Tịnh-Không nói, “Có tiền nhiều làm nhiều, có tiền ít làm ít, không tiền thì không làm”, chứ Ngài không có nói “Không nhận tiền cúng dường”.
Có tiền nhiều là có “Cúng dường nhiều”, có tiền ít là “Cúng dường ít”. Quý Ngài đem tiền này in kinh sách, làm pháp bảo, hỗ trợ Phật pháp, giúp đỡ các nơi từ thiện.
Các Ngài nói, người thọ nhận cúng dường có xứng đáng là ruộng phước cho chúng sanh gieo hay không? Có biết sử dụng đồng tiền cúng dường đó đúng đắn hay không? Nếu đem nó dùng sai việc thì nên nhớ câu này, “Một hạt gạo của thí chủ nặng như núi Tu-di, đời này không liễu đạo, đời sau phải mang lông đội sừng mà trả”. Rất dễ sợ!
Chính vì thế, người tu hành phải lo chuyện thành tựu. Người Niệm Phật hãy lo quyết lòng một đời này Vãng-Sanh. Đây là điểm chính, đừng nên dính vào những thứ danh văn lợi dưỡng. Nếu không, thì coi chừng bị vướng nợ!
Trong pháp Hộ-Niệm, người Hộ-Niệm không được nhận tiền công khi đi Hộ-Niệm, không được tự đứng ra vận động tiền bạc để thực hiện một việc gì. Mong rằng những Ban-Hộ-Niệm cần lưu ý cẩn thận điều này: Không thể lợi dụng danh nghĩa Ban-Hộ-Niệm để vận động tịnh tài vì bất cứ lý do gì.
Nhưng khi có người phát tâm cúng dường, hỗ trợ phát triển Ban-Hộ-Niệm… thì đó là sự phát tâm tu phước thiện của cá nhân. Trường hợp này, Ban-Hộ-Niệm có thể nhận và làm đúng theo ý định của họ. Còn việc phát tâm lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, lâu dài hay ngắn hạn… hoàn toàn tùy thuộc cá nhân của người đó. Riêng người Hộ-Niệm phải tùy duyên hành đạo, chứ quyết không được vận động hay nhận tiền bạc khi thân quyến muốn thù lao hay trả ơn vì công sức Hộ-Niệm cho người thân của họ.
Trong những trường hợp khó khăn như đi quá xa, Ban-Hộ-Niệm không đủ khả năng mua vé xe, vé máy bay, thì Ban-Hộ-Niệm phải nói thẳng, “Chúng tôi không đủ khả năng đi xa”. Hoàn cảnh khó khăn khách quan mà người thân nhân trong gia đình cần phải hiểu, phải tự giác chu toàn, thì Ban-Hộ-Niệm mới có thể trợ giúp được.
Vấn đề 6:
Pháp thì học từ băng đĩa của PS Tịnh-Không cũng như của các Tổ Sư của Tịnh-Độ-Tông. Nghi thức thì đơn giản, học từ Tịnh-Tông Học-Hội Úc Châu.
Trả lời:
Đây là sự quyết định riêng của từng đạo tràng. Mỗi đạo tràng có quyền chọn lựa một phương pháp tu tập, có thể nương theo một hệ thống đã có sẵng, hoặc tự lập ra đạo quy, đạo học… riêng. Nhưng vấn đề này chỉ có giá trị trong nội bộ mà thôi. Vì thế, cần phải tế nhị! Tốt nhứt chỉ nên phổ biến trong nội bộ, chứ không nên vận động rộng rãi ra ngoài, vì phổ biến rộng rãi ra ngoài dễ trở thành vấn đề phân biệt chấp trước, ảnh hưởng không tốt.
Vấn đề 7:
Nếu một đạo tràng mà không có Tăng thì đó là có như Pháp không?
Trả lời:
Kinh Phật dạy Niệm Phật Vãng-Sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Đây là đại chánh pháp của thời mạt pháp này, để cứu độ tất cả chúng sanh.
Nơi nào Niệm Phật cứu người được Vãng-Sanh thì nơi đó thực hiện như lý như pháp. Nơi nào không cứu người Vãng-Sanh, thì nơi đó không được như lý như pháp.
Như vậy Như Pháp là áp dụng cho đúng lời dạy của Phật để một đời Vãng-Sanh thành tựu đạo quả. Một đạo tràng có Pháp Sư hướng dẫn đúng pháp, cứu nhiều người Vãng-Sanh thì thật là quý hóa. Một đạo tràng của cư sĩ, họ thành tâm Niệm Phật, Hộ-Niệm cứu người Vãng-Sanh cũng phải xác nhận sự quý hóa vô cùng của họ.
Ngài Ấn-Quang đại sư, HT Tịnh-Không đều khuyến khích cư sĩ lập Đạo Tràng Niệm Phật. Các Ngài đều là những bậc Đại Tôn Sư của thời đại này, chắc chắn không thể chủ trương sơ suất được. Cụ thể, những người tu theo Ngài Vãng-Sanh vô số. Các Ban-Hộ-Niệm ở Việt-Nam hầu hết là cư sĩ tại gia, mấy năm qua đã cứu hàng ngàn nguời Vãng-Sanh Cực-Lạc. Và họ còn đang tiếp tục cứu người Vãng-Sanh bất thối thành Phật. Công đức thật vô lượng vô biên, khó ai sánh bằng họ.
Ngài Ấn-Quang nói, một đạo tràng thành tựu là đạo tràng có người Vãng-Sanh, chứ không phải là nơi nhiều người lui tới. Phải chăng, chính những Ban-Hộ-Niệm, những Niệm-Phật-Đường, những tự viện lớn nhỏ, hễ nơi nào đã cứu được người Vãng-Sanh Tây-Phương Cực-Lạc, đều đã thực hiện Như Lý Như Pháp, là những đạo tràng làm đúng theo lời Phật dạy rồi vậy.
A-Di-Đà Phật.
Diệu-Âm.
(14/07/2010)