MỘT NGƯỜI XUẤT GIA VÀ MỘT NGƯỜI KHÔNG XUẤT GIA NIỆM PHẬT, NGƯỜI NÀO VÃNG SANH VỮNG HƠN?

Print Friendly, PDF & Email

MỘT NGƯỜI XUẤT GIA VÀ MỘT NGƯỜI KHÔNG XUẤT GIA NIỆM PHẬT, NGƯỜI NÀO VÃNG SANH VỮNG HƠN?

Câu hỏi: Tại sao một người đó không tu, nhưng mà ban hộ niệm vẫn tích cực hộ niệm cho họ?
Trả lời:Xin thưa với chư vị, A-Di-Đà Phật đã phát đại thệ: “Mười niệm tất sanh”. Mười niệm này là mười niệm trước giờ phút lâm chung.
Hôm trước chúng ta nói rồi, chúng ta tu hành như thế này, đừng nghĩ rằng mình sẽ vãng sanh an nhiên tự tại. Chưa chắc đâu! Coi chừng một ý niệm cống cao ngã mạn nổi lên đã phá tan mất công đức rồi!… Đi nói một lời bất cẩn phá tan mất công đức rồi!… Tu hành mà quá nhiều sơ suất, chưa chắc gì ta dám đoán xác suất những người này được tới 5% vãng sanh! Nhưng chính ban hộ niệm chúng ta đã từng chứng kiến những người trước giờ chưa biết tu, nhưng mà dám tin tưởng xác suất của họ tới 95% vãng sanh.
Vì sao vậy?… Vì yếu tố Tín-Hạnh-Nguyện của họ đã ứng hợp trước những giờ phút lâm chung. Chúng ta không thể nào lấy tu nhiều tu ít, hoặc lấy cái hình thức bên ngoài mà đoán được bên trong đâu.
Ngài Pháp-Nhiên Thượng Nhân là Tổ Sư khai sáng Tông Tịnh-độ của Nhật Bản, có người hỏi Ngài câu này:
– Thưa Thượng Nhân, một người xuất gia và một người không xuất gia niệm Phật, người nào được vãng sanh vững hơn?…
Ngài nói:
-Kết quả giống nhau.
Lại hỏi:
– Tại sao một vị xuất gia giữ giới, ăn chay, tuyệt dục, ly gia, niệm Phật và một người tại gia có vợ con, ô nhiễm đủ thứ, niệm Phật lại giống nhau?
Ngài nói:
– Vì câu A-Di-Đà Phật ai niệm cũng giống nhau! Một cục vàng nếu mình lấy một cái tấm vải nhung thật đẹp bao lại, hoặc lấy một mảnh giẻ rách mục nát bao lại, cục vàng đó cũng có giá trị ngang nhau.
Nghe lời nói của Ngài làm cho mình ngộ ra. Một người tu nhiều được tượng trưng bằng miếng vải nhung, miếng vải nhung rất đẹp bao viên ngọc bối lại!… Một người không tu tượng trưng bằng miếng vải rách, miếng vải mục rách bao viên ngọc bối lại. Người thấy miếng vải nhung đẹp quá, cứ đem nó bao viên ngọc cho thật kín lại, thì coi chừng viên ngọc không phát quang được! Ấy thế mà miếng vải mục rách, bao đâu rách đó, bao đâu rách đó, nhờ vậy mà viên ngọc lại dễ phát quang ra…
Hiểu được như vậy, chúng ta mới biết rằng người nào đó dù hồi giờ không tu, nhưng nhờ cái duyên trong lúc cuối đời gặp những người hộ niệm khuyên giải, họ phát lòng tin tưởng và quyết lòng đi. Họ thấy đời này họ không tu nên biết rõ nghiệp chướng quá nặng nề! Nghĩ vậy mà họ biết khiêm nhường, họ biết thành tâm kiệt thành sám hối… Kiệt thành sám hối, niệm Phật được vãng sanh bất khả tư nghì!… Cho nên đừng bao giờ nghĩ rằng mình tu như thế này là ngon hơn những người không tu nhé!…
Ngài Tịnh-Không luôn luôn nhắc nhở chúng ta rằng, đừng bao giờ khinh thường những người không tu. Nếu có cái tâm khinh thường những người không tu, coi chừng trước giờ phút lâm chung họ có cái cơ duyên gặp được người hộ niệm khai thị chỉ đạo, họ ngộ ra đường đạo, họ đi thẳng một mạch. Trong thời gian ngắn ngủi một ngày hai ngày, một tuần hai tuần, họ chuyên tâm niệm Phật không còn giáp tạp, không còn phân vân, họ vãng sanh nhiều khi thượng phẩm vẫn có như thường, đừng nên khinh thường!…
Tại vì sao?… Tại vì viên ngọc như ý mỗi người đều có cả, với Thánh không tăng, với Phàm không giảm, với một chúng sanh cũng vẫn là vậy. Nhiều người sơ ý cứ đem cái gì đó bao viên ngọc lại! Mình tưởng công phu tu hành của mình giỏi quá, thấy miếng vải nhung quá đẹp, nên lấy nó bao lại lớp-lớp hàng-hàng làm cho viên ngọc phát quang không được!… Còn viên ngọc của một người không tu vẫn là vậy, không hơn không kém, nhưng vì phước báo quá yếu nên họ không có miếng vải nhung, họ chỉ có miếng vải mục rách để bảo bọc viên ngọc, vô tình miếng vải rách ra, vải rách ra thì viên ngọc mới phát quang lên được. Khi hiểu được chỗ này, xin chư vị phải nhớ thật kỹ cho:
-Càng tu càng phải khiêm nhường.
– Càng tu càng phải cẩn thận để thượng phẩm thượng sanh ta được phần.
-Đừng bao giờ khinh thị bất cứ một người nào. Cho nên mỗi lần đi hộ niệm chúng ta phải hết sức cẩn thận…
-Cẩn thận từ câu nói…
-Cẩn thận từ động tác kéo cái ghế ra…
-Cẩn thận từ những cử chỉ đứng lên…
-Cẩn thận từng chút từng chút…
Nếu sơ ý ta tưởng là đang tạo công đức, nhưng vô tình lại tạo đại họa! Tạo đại họa cho người khác!… Nhân này ta đã gây ra thì làm sao tránh được quả báo tương tự?!…
Mong chư vị hiểu được đạo lý này, quyết lòng cẩn thận để hộ niệm cho người vãng sanh Tây-Phương CựcLạc.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Trích: Những Sơ Xuất Có Thể Xảy Ra Khi Hộ Niệm(Tọa Đàm 20)
niemphathoniemvangsanh.net

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *